Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/3 tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm tại nước này đang gia tăng khá nhanh. Mỹ tới nay ghi nhận hơn 2.400 ca nhiễm, trong đó 50 người đã tử vong.
Trump tại cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng ngày 13/3. Ảnh: Reuters . |
Chính quyền Trump từng tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng" vào cuối tháng một, giúp các bang dễ dàng điều phối nhân viên đối phó nCoV. Tuyên bố được đưa ra song song với lệnh cách ly những công dân Mỹ trở về từ ổ dịch của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp quốc gia có phạm vi lớn hơn dịch công chứng và ít được ban bố hơn, thường được sử dụng sau các thảm họa thiên nhiên. Lần gần đây nhất Mỹ áp dụng tình trạng này cho trường hợp khẩn cấp về y tế là vào năm 2009, dưới thời tổng thống Barack Obama trong dịch cúm H1N1.
Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo Luật Stafford được ban hành năm 1988, cho phép ông sử dụng các quỹ dành cho cứu trợ thảm họa và hỗ trợ tình huống khẩn cấp với sự chấp thuận của quốc hội. Động thái này giải phóng hàng tỷ USD trong quỹ của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang để đối phó với Covid-19. Trump cho biết các bang và vùng lãnh thổ có thể tiếp cận lên tới 50 tỷ USD trong quỹ liên bang để chi cho các nỗ lực chống dịch.
Luật Stafford không chỉ được kích hoạt trong các thảm họa tự nhiên. Các tổng thống từng dựa vào luật này để giải phóng quỹ sau những cuộc tấn công khủng bố, bao gồm vụ đánh bom giải marathon Boston năm 2013 và vụ khủng bố 11/9/2001. Luật này cũng được sử dụng cho khủng hoảng y tế công cộng. Bill Clinton đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo Luật Stafford để giải phóng hàng triệu USD phân bổ cho các bang New York và New Jersey đối phó bệnh siêu vi trùng West Nile vào năm 2000.
Năm 2014, Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau sự cố tràn hóa chất ở Tây Virginia. Hai năm sau, ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước ở Flint, Michigan.
Luật Stafford cho phép chính phủ liên bang cung cấp một loạt viện trợ cho các bang, thành phố, bệnh viện và thậm chí là các cá nhân. Khi Luật Stafford được kích hoạt để đối phó với đại dịch, chính phủ liên bang có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp trực tiếp cho công dân, chẳng hạn như thành lập các bệnh viện dã chiến để giảm bớt gánh nặng lên các cơ sở y tế.
Trump cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo Luật Khẩn cấp Quốc gia được ban hành năm 1976, cho phép ông sử dụng nguồn ngân sách vốn được lên kế hoạch chi cho mục đích khác vào công tác chống Covid-19. Luật này cũng cho phép Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh sửa đổi hoặc từ bỏ các quy định đối với Medicare (chương trình bảo hiểm y tế dành cho người từ 65 tuổi trở lên), Medicaid (chương trình bảo hiểm y tế dành cho người có thu nhập thấp) và các chương trình khác.
Tổng thống cho biết những thay đổi sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ bao gồm cung cấp dịch vụ y tế từ xa dễ dàng hơn để bệnh nhân không phải trực tiếp đến văn phòng bác sĩ, xóa bỏ một số quy định cấp phép để các bác sĩ có thể hành nghề ở các bang khác và xoá bỏ giới hạn về khả năng tiếp nhận bệnh nhân của các bệnh viện.
Khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố, giới chức y tế có thể bỏ qua các kênh thông thường để tiếp cận nhanh thuốc, vaccine và dụng cụ xét nghiệm, nhằm tăng tốc độ phát hiện ca nhiễm và điều trị.
Năm 2018, Trump đã sử dụng Luật Khẩn cấp Quốc gia để chuyển tiền hàng tỷ USD từ chi phí xây dựng của Lầu Năm Góc sang xây tường ở biên giới với Mexico. Ông giải thích đây là tình huống khẩn cấp vì biên giới là "điểm xâm nhập chính của tội phạm, thành viên băng đảng và những kẻ buôn ma túy", là mối đe dọa đến "lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi".
Trong bài phát biểu ngày 13/3, Trump cảnh báo người Mỹ sẽ phải thay đổi các hoạt động hàng ngày, khuyên người dân hạn chế đi lại và hứa hẹn thúc đẩy năng lực xét nghiệm nCoV.
Trump trước đó bị chỉ trích là quá chủ quan và thiếu quyết liệt khi đối phó Covid-19. Động thái tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông đã làm một số lãnh đạo quốc hội hài lòng. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy viết trên Twitter rằng "đây là bước đi đúng đắn để bảo vệ công dân và nền kinh tế".
Bennie Thompson, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về An ninh Nội địa, gọi động thái này là "đáng hoan nghênh và lẽ ra phải được làm từ lâu". Nhưng ông nói thêm rằng "thông báo của Trump thiếu cụ thể, đặc biệt là việc 50 tỷ USD mà Tổng thống công bố gồm những quỹ nào và khi nào các bang sẽ được tiếp cận nó".
Phương Vũ (Theo Fox/USAToday/NBC )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét